Theo nền Phật giáo Việt Nam, Chùa Phổ Minh là nơi mà vua Trần Nhân Tông sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm. Là nơi bảo vật tháp Phổ Minh – một thời Hào khí Đông A, trung tâm tôn giáo và tín ngưỡng của khu vực châu thổ sông Hồng lúc bấy giờ. Tới nay, chùa vẫn giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật đặc trưng của đời nhà Trần.
Chùa Phổ Minh thuộc di tích lịch sử nào?
Chùa Phổ Minh tọa lạc trên đất Nam Định, hay còn gọi là quê hương của các vua Trần. Vào năm 2012 theo quyết định 1419/Qđ-TTg được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nơi mà các bậc vua chúa, cùng thân quyến đã từng tới để tu tập Phật pháp, cũng như các hoạt động mang đậm nét văn hóa của nền văn minh lúc bấy giờ.
Chùa Phổ Minh thuộc cụm di tích lịch sử Đền Trần – Chùa Tháp của Nam Định. Gần với các khu đền Thiên Trường nơi thờ tổ tiên họ Trần, đền Cố Trạch (nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các vị thân cận của ngài) cùng đền Trùng Hoa (nơi thờ tượng 14 vị hoàng đế thời Trần).
Lịch sử hình thành của Chùa Phổ Minh
Theo các minh văn ở trên bia và chuông của Chùa Phổ Minh, thì có thể được xây dựng từ thời nhà Lý lúc đang trong kỳ thịnh vượng. Năm 1262, vua Trần Thái Tông chọn làm nơi tu hành của hoàng thân quốc thích cùng các vương phi, công chúa, vậy nên đã được xây dựng lại và mở rộng quy mô hơn.
Dưới thời Trần, tại nơi đây được tổ chức các hội vô lượng nhằm bố thí vàng, bạc, tiền, vải vóc cho những người dân nghèo khó trong nước và giảng kinh giới thí. Không những thế, nơi đây còn trở thành hội Phật giáo lớn nhất lúc bấy giờ do vua Trần Nhân Tông chủ trì. Vị vua có nhiều đóng góp trong sự phát triển của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, và còn là một thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời trung đại.
Chùa Phổ Minh tọa lạc tại địa điểm nào?
Chùa Phổ Minh hay còn gọi là chùa Tháp Phổ Minh là một ngôi chùa tại thôn Tức Mạc, cách thành phố Nam Định tầm 5km về phía Bắc. Đây là một địa thế đất đẹp, dựng trên khoảng đất trống tầm 2ha, chùa tọa lạc tại phía tây của cung Trùng Quang – vị hoàng đế thứ 2 của nhà Hậu Trần.
Phía nam là ao hồ, phía đông có con sông sông Vĩnh nối sông Vị Hoàng bao trọn ba mặt đông, tây, bắc của điện Trùng Quang. Bốn hồ nước tượng trưng cho 4 chân rùa, toàn bộ nơi thờ tự tựa như mai con rùa, tháp Phổ Minh chính là đầu ông rùa trông về phía Nam. Sự kết hợp đó tạo nên biểu tượng về sự cân bằng âm dương của Chùa Phổ Minh.
Đôi nét đặc trưng thiết kế xây dựng của Chùa Phổ Minh
Mặc dù được xây dựng ở thời Lý, nhưng sau khi được tu sửa và mở rộng vào thời Trần, Chùa Phổ Minh lại mang những nét tiêu biểu trong thiết kế của triều đại này. Mặc dù hai triều đại kế tiếp nhau, nhưng mỹ thuật lại có các nét riêng biệt không giống nhau. Đặc trưng phải kể đến các họa tiết chạm khắc hình rồng, hoa sen, Phật.
Hình rồng trong Chùa Phổ Minh
Dù ở thời Trần, thì họa tiết hình rồng vẫn giữ dáng dấp như thời nhà Lý, tuy nhiên, có chút khác nhau ở phần vẩy lưng, không còn tựa đầu vào nhau nữa mà có dạng hình răng cưa, nhọn, chia làm hai tầng. Chân cũng ngắn hơn, các túm lông ở chân thì bay lên phía trước thay vì theo một chiều nhất định như thời Lý.
Đặc biệt còn xuất hiện thêm chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng lại đơn giản hơn, tuy vẫn giữ hình lá ở vòi rồi vươn lên nhưng lại không còn uốn khúc. Mang phong thái mạnh mẽ nhưng thoải mái, không còn chịu những quy định khắt khe như thời Lý nữa, được chạm khắc rất nhiều tại Chùa Phổ Minh.
Ở Chùa Phổ Minh hai cánh ở giữa được chạm đôi rồng lớn, đặt trong khuôn hình lá đề – một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ. Lá bồ đề một loại lá tượng trưng cho sự từ bi và tình thương của Đức Phật. Hình rồng chầu mặt nguyệt là tượng trưng cho hai lực âm dương cân bằng, cho sức mạnh.
Họa tiết sóng nước hình nấm
Đây là bố cục đặc trưng ở Chùa Phổ Minh được nhiều người nhắc đến khi so sánh phần thủy ba hình nấm ở chân tháp Phổ Minh với các tháp khác. Bởi nó được chạm khắc theo lối khắc chìm, thêm các hoa văn xoắn hình hoa nhỏ giữa hình nấm. Gồm ba lớp, nhỏ dần vào tâm, hoa văn có nhiều hoạt tiết hình hoa nhỏ hơn những công trình khác.
Họa tiết hoa sen ở các bệ, các cột.
Các họa tiết hoa văn hình hoa sen, cánh sen, búp sen được chạm khắc tinh vi, tỉ mỉ, cùng các bài kinh Phật được xem như là nét đặc trưng tiêu biểu trong kiến trúc xây dựng của thời đại nhà Trần. Bởi lẽ đây là thời đại được biết đến với sự phát triển bậc nhất về nền phật giáo lúc bấy giờ. Họa tiết hình sen tượng trưng mang cảm giác toàn ngôi chùa được tạo dựng nên từ các đóa sen.
Hoa sen trang trí thời Trần được kế thừa những thành tựu của thời Lý nhưng chúng lại có những điểm riêng biệt và độc đáo mang tính chất thời đại. Mang phong cách hiện thực sinh động hơn, mạnh mẽ do được ảnh hưởng từ niềm vui cùng tinh thần tự hào dân tộc với ba lần đánh thắng giặc Mông Nguyên.
Nét đặc trưng ở thời Trần là họa tiết hoa sen sẽ đi riêng lẻ mà không lồng trong các hình rồng như thời Lý. Các bông sen được thể hiện như các dấu ngoặc, từng đôi đối nhau theo lối nhìn nghiêng rất đơn giản nhưng lại rành mạch, và đặc trưng chỉ có 6 cánh cùng nhụy hương. Ở các bệ tượng Phật đều chạm các đài sen lớn, xen kẽ các lớp, hình khối khỏe hơn so với thời Lý, các cánh sen được khít nhau hơn.
Kiến trúc chi tiết nằm bên trong chùa
Chùa Phổ Minh gồm có tam quan, ao sen, nhà bia, tháp, sân trước, chùa chính, hành lang, các hậu điện, khu phủ thờ Mẫu, nhà thờ tổ, các dãy tăng phòng và khu tháp Phổ Minh
Khuôn viên và kiến trúc chung của chùa
Khu vực tam quan của Chùa Phổ Minh : chiều dài 8,42m, rộng 8,98m, gồm 3 gian với khung làm bằng gỗ lim, tường bằng gạch, mái ngói rêu phong cổ kính, cùng bức tường hoành phong khắc 4 chữ “ Đại hùng bảo điện” tức Điện báu Đại Hùng.
Sân vào chùa : Là một khu hình chữ nhật với chiều dài 27m và rộng 9m. Hai bên là 2 cột kinh hình bát giác với chiều cao lên tới gần 4m, được chạm khắc Kinh Phật và các hoa văn hình hoa sen, cánh sen, búp sen. Hai bên đường đi còn được xây dựng hai hồ tròn thả sen đưa lối vào chùa.
Xung quanh sân Chùa Phổ Minh được xây dựng các khu vực kiến trúc đặc trưng thời Trần như 14 tảng đá cánh sen, cây hương đá. Khu vực chính giữa là các chân tảng đá với hoa văn hình cánh sen kép. Ngoài ra còn có các nhà bia được xây dựng bằng gạch vữa, lợp mái ngói Nam.
Chùa Phổ Minh
Chùa được thiết kế gồm ba hạng mục là tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Trong đó tiền đường gồm 9 gian với tổng chiều dài gần 25m, rộng hơn 8m. Các cánh cửa đều được chạm khắc hình rồng chầu mặt nguyệt trong khung hình của lá bồ đề. Phía trên cánh cửa là hình con rồng, với thân uốn khúc, chụm phần đuôi về phía đỉnh lá đề, thân hình to và mào lửa dài.
Thiên Hương và Thượng điện mỗi nơi đều được xây dựng 3 gian phòng chính, đặc trưng với khung bằng gỗ lim. Các cột cái, cột quân đều được chạm khắc hoa văn hình cánh sen hoặc hình hoa sen.Phía sau thượng điện, là một ngôi nhà dài gồm 11 gian phòng. Gồm 5 gian nhà tổ, 3 gian nhà tăng và 3 gian để làm điện thờ. Tất cả tạo thành một khung vuông bao quanh ngôi chùa.
Bên trong Chùa Phổ Minh , bày bức tượng nằm của vua Trần Nhân Tông – vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần, cùng tượng ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm dưới bóng cây trúc, và một số tượng Phật. Trên chuông lớn của chùa có khắc bản văn “ Phổ Minh đỉnh tự” được đúc vào năm 1796. Chùa vốn có một vạc lớn – một trong bốn báu vật của Việt Nam, hay còn gọi là An Nam tứ đại khí, nhưng hiện nay không còn.
Tháp Phổ Minh
Kiến trúc thời nhà Trần sau nhiều lần tu sửa, được bảo tồn khá nguyên vẹn, đặc biệt là tháp Phổ Minh. Tháp được dựng vào năm 1305 sau khi chùa xây dựng sau đó khá lâu. Đây được xem như kiến trúc tiêu biểu của thời nhà Trần.
Tương truyền còn là nơi đặt 7 trong 21 hạt xá lợi của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông – người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Được vua Trần Anh Tông chia làm ba phần, tôn trí vào ba nơi: lăng Quy Đức (tức phủ Long Hưng), bảo tháp Huệ Quang ở chùa Hoa Yên (Yên Tử) và Chùa Phổ Minh (Nam Định).
Với chiều cao gần 20m và gồm 14 tầng, kết cấu theo hình vuông. Đỉnh tháp là một khối đá hình búp sen gồm 5 lớp cánh sen chụm vào nhau.Tầng thứ nhất với đáy dài khoảng 5,2m, được xây bằng đá, đặt dưới có hai lớp cánh sen đỡ lấy tháp hình vuông. Có các hình như hoa lá, sóng nước, mây trời được chạm nông trên mặt đá.
Các tầng còn lại được xây dựng bằng gạch bắt mạch, mỗi viên gạch đều để dòng chữ “Hưng-Long thập tam niên” và có hình con rồng nổi của thời Trần. Với trọng lượng ước tính tới 700 tấn, đặt phía trước gian tiền đường của Chùa Phổ Minh, được ví như một bông sen lớn trổ thẳng lên bầu trời giữa một mái chùa cổ kính linh thiêng.
Kết bài
Chùa Phổ Minh đóng vai trò quan trọng trong cụm di tích lịch sử đền Trần- Chùa Tháp, giúp gìn giữ nét văn hóa của thời Trần một cách trọn vẹn nhất cho tới hiện nay. Qua bao nhiêu đời, sự bào mòn của thời gian cùng sự tàn phá của chiến tranh, những điều còn được lưu giữ lại thật đáng quý với lịch sử Việt Nam cũng như mỗi người con dân chúng ta. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về ngôi chùa này.