Đền Bà Chúa Kho là ngôi đền hiếm hoi thu hút được nhiều khách thập phương, đặc biệt là dân kinh doanh, buôn bán vì tương truyền rằng đây là nơi rất linh thiêng, nhiều người đến đây để xin lộc tiền tài. Năm 1989, đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lịch sử hình thành và phát triển đền Bà Chúa Kho
Đền Bà Chúa Kho là một di tích lịch sử nổi tiếng của Bắc Ninh, đã được nhà nước công nhận. Được xây dựng vào thời nhà Lý nhằm tưởng nhớ công ơn, tấm lòng bao dung của bà đối với dân tộc Việt Nam.
Dân gian kể lại rằng, thời nhà Lý có một cô gái xinh đẹp lại nết na, thùy mị, giỏi giang vừa khéo léo. Người con gái đó đã giúp dân chống đói, giúp quân chống giặc, nhờ biết cách sắp xếp các công việc sản xuất, tích trữ lương thực.
Vì sự tài sắc vẹn toàn này của bà, được vua Lý đem vào cung làm hoàng hậu. Khi vào cung, bà đã giúp vua, tiến hành các phương pháp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng gia sản xuất, khai hoang đồng ruộng để canh tác. Sau đó, bà về quê hương của mình chiêu dân, lập ấp, gia tăng canh tác, khiến đời sống nâng cao.
Tới năm 1077, quân Tống sang xâm lược nước ta. Từ chính ngôi làng của mình, đã trở thành nơi đặt lương thực do chính bà cai quản, sắp xếp, chỉ đạo. Trong quá trình tham gia chiến đấu, trong một lần đi tiếp tế cho dân, bà bị quân giặc giết chết. Vì vô cùng thương tiếc, nên vua Lý đã phong cho bà danh hiệu Phúc Thần.
Đền Bà Chúa Kho nằm ở đâu
Đền Bà Chúa Kho tọa lạc tại lưng chừng ngọn núi Kho, Khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh thuộc thành phố Bắc Ninh. Nằm trong quần thể di tích lịch sử của khu Cổ Mễ (Đình – Chùa – Đền).
Phía sau đền thờ là một đường hầm gần 2m xuyên qua lòng núi Kho, đi tới sông Như Nguyệt, do chính bà xây dựng. Phía trước là một đầm nước rộng với 3 mặt là núi, có thể đi xuyên qua hồ Thủy, theo hướng Nam là tới thành cổ Bắc Ninh.
Lễ hội đền Bà Chúa Kho diễn ra khi nào?
Tuy là một ngôi đền nhỏ, nhưng hàng năm, lượt du khách đổ về cực kỳ đông đúc, tấp nập. Do quan niệm cầu mong một năm buôn bán dồi dào vốn liếng tiền bạc.
Hằng năm vào ngày 14/01 chính là ngày lễ chính của đền bà. Tuy nhiên, từ những ngày đầu năm kéo dài cho hết tháng giêng, rất nhiều người từ khắp nơi đều tấp nập tới nơi đây để xin lộc, cho một năm mới làm ăn buôn bán thuận lợi.
Kiến trúc đền Bà Chúa Kho
Đền Bà Chúa Kho được xây dựng với hai khu chức năng tổng diện tích 4,8ha. Khu nội tự có tam quan, bình phong, nhà khách, các ban cung, khu đón tiếp khách, khu bếp ăn uống, khu lễ hội…. Với các điểm nổi bật như cổng Tam Quan, khu Hậu Cung, cung Thượng của bà chúa, các tòa lầu Cô, lầu Cậu, ban thờ Cửu Trùng Thiên…
Bên trong đền Bà Chúa Kho, đều được trạm trổ tinh xảo với các hình thù đặc trưng thời Lý như: hổ , phượng, cá chép , mây trời. Ở các trụ cột thì chạm khắc họa tiết hình hoa lá, mây rồng uốn lượn cực kỳ tinh xảo và tỷ mỉ, và 2 con nghê quay đầu vào nhau trên đỉnh trụ.
Đường đi đến Đền Bà Chúa Kho
Đền Bà Chúa Kho nằm tại Khu Cổ Mễ, Phường Vũ Ninh, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh tầm 4km về phía Đông Bắc. Đi tới trung tâm thành phố Bắc Ninh, đi tiếp theo tỉnh lộ 295B rồi rẽ trái theo hướng Cỗ Mễ.
Nếu đi từ Hà Nội thì theo hướng Đông Bắc, cách khoảng 33km. Nếu đi phương tiện cá nhân bạn có thể đi theo hướng về Long Biên, Gia Lâm, qua cầu Đuống rồi qua thị xã Từ Sơn là tới trung tâm TP Bắc Ninh.
Nếu đi phương tiện công cộng như xe bus bạn có thể đi tuyến 54 đi ngay từ phía ngoại thành (Long Biên- Bắc Ninh), hoặc tuyến 203 đi từ trong nội thành Hà Nội (Giáp Bát- Bắc Ninh- Bắc Giang).
Các nghi lễ vay vốn tại đền Bà Chúa Kho
Điểm đặc biệt trong nghi lễ của nơi đây, khác với những nơi tín ngưỡng khác là nghi lễ vay vốn đầu năm và “trả vốn” vào cuối năm. Nghi lễ này xuất phát từ việc nơi đây trước thời Lý vốn dĩ là kho lương thực, nơi cung cấp nguồn lương thực cho binh lính cũng như dân trong vùng.
Nghi lễ “vay vốn”
Bà Chúa Kho là người được biết đến bởi những sự tính toán, sắp xếp, giúp cải thiện đời sống no đủ cho nhân dân. Mọi người đầu năm tới đền, cầu mong cho một năm mới vốn liếng dồi dào, làm ăn phát đạt. Bạn dâng lễ kim ngân tiền vàng lên cho bà và xin “vay vốn”. Người ta khi tới đền sẽ ghi sớ rằng vay bao nhiêu, trả bao nhiêu, làm gì, trong bao lâu.
Mâm lễ không yêu cầu đặc biệt hay cầu kì gì cả tùy tâm và kinh tế mà dâng lên cũng chỉ cần thành tâm xin bà là được. Một mâm lễ thì thường có : vàng hương, hoa tươi, trái cây, bánh kẹo, hoặc đủ đầy hơn thì cỗ mặn như xôi gà.
Khi tới đền Bà Chúa Kho, bạn hãy mua một lá sớ viết các thông tin cá nhân, rồi ghi rõ số vốn vay, số trả, rồi đặt lên mâm lễ đã chuẩn bị. Sau khi làm lễ khấn xong, nhớ đem về giữ nguyên vẹn để cuối năm nhớ đem đi trả vốn. Nghi thức này nên thực hiện vào đầu năm mới, đặc biệt là ngày 14/1 – lễ hội chính của bà.
Nghi lễ “trả vốn”
Vì hình thức tâm linh nên không quy định bắt buộc, vay trả bao nhiêu là tùy tâm mỗi người. Nhưng dù năm đó làm ăn phát đạt hay thua lỗ, bạn đều phải nhớ đến trả lãi, trả vốn cho bà vào cuối năm. Nhưng nó tượng trưng cho tấm lòng cảm tạ một năm phù trợ của bà trong việc làm ăn của gia chủ.
Các bước dâng lễ, làm lễ và chuẩn bị lễ “trả vốn, trả nợ” cũng tương tự như đầu năm xin vốn. Tuy nhiên vào cuối năm, bạn cần nhớ đem sớ vay đầu năm đi để khi thực hiện xong nghi thức “trả vốn” sẽ đem hóa vàng tại đền Bà Chúa Kho. Tháng 11, 12 trong năm bạn đều có thể tới để tạ lễ, kết thúc một năm làm ăn.
Lưu ý khi đi đền Bà Chúa Kho
Chúng tôi xin tổng hợp một số những lưu ý cho du khách thập phương khi muốn hành hương đến đây dâng lễ như sau:
Một số lưu ý khi đến đền
Những ai thường xuyên đi chùa, phủ, đền hẳn sẽ biết đến những quy định cơ bản ở những chốn linh thiêng này. Tuy nhiên nếu chưa từng đến, bạn hãy tham khảo một số lưu ý sau đây để chuẩn bị đầy đủ cho một buổi tham quan, đi lễ tại đền Bà Chúa Kho nhé.
Trang phục : Bạn nên ăn mặc đơn giản kín đáo lịch sự, đi giày thể thao hoặc dạng bệt vì các khu lễ phải đi bộ khá nhiều. Vì tình trạng du khách rất đông, bạn không nên mang theo quá nhiều trang sức hay tài sản.
Nghi lễ “vay vốn” đầu năm, theo quan niệm có vay có trả, thì dù năm đó làm ăn phát đạt hay thua lỗ, cuối năm đều cần phải tới để đáp lễ trả lại. Việc đi lễ mang tính chất duy tâm, cũng là một cam kết tâm linh, nên trong năm cần phải không ngừng vươn lên để giữ chữ tín với bà.
Nghi thức đốt vàng mã : đây là một nơi được rất nhiều người tới làm lễ, lại đặc biệt là do nghi thức “vay vốn” nên lượng vàng mã ở nơi đây rất lớn, ước tính tiêu thụ lên tới 80 tỷ đồng/ năm. Rất dễ gây ảnh hưởng tới môi trường và có nguy cơ gây hỏa hoạn. Vì thế, chính quyền và ban quản lý đền yêu cầu người dân, hạn chế lượng vàng mã sử dụng khi tới đền.
Nghi thức sắm lễ khi đến đền Bà Chúa Kho
Tại mỗi cung, mỗi khu thờ các vị khác nhau thì các nghi lễ cũng phải khác nhau. Sau khi hoàn thành lễ, hóa sớ và hạ lễ ở các ban đã dâng. Tuy nhiên đối với các khu vực thờ Cô, thờ Cậu bạn nên giữ nguyên lại.
- Mâm lễ chay: thường dâng ở cung Thánh Mẫu, Phật hay dâng lễ Thành Hoàng, Thư Điền, gồm các món như trái cây, hoa tươi, trầu cau, tiền vàng, trà, nến, bánh kẹo. Ngoài ra nếu bạn đặt ở các cung thờ Cô, thờ Cậu thì nên dâng thêm các món đồ hàng mã như quần áo, trang sức, đồ chơi.
- Mâm cỗ mặn: là các lễ vật như xôi gà, giò chả, thịt lợn…cùng các món ăn kèm, hoặc chè. Chỉ được dâng duy nhất ở cung Tứ Phủ Công Đồng.
- Mâm đồ sống: là những loại như thịt lợn sống, trứng sống, hải sản sống… và phải đi kèm muối gạo. Thì chỉ được phép dâng lên các cung như Ngũ Hổ, Bạch Xà, Thanh Xà, tứ Đại Công Đồng.
- Mâm Sơn Trang: thường là mâm cỗ của những người đã trình đồng mở phủ, sẽ dâng các loại đặc sản là đồ chay, hay xôi chè. Người bình thường thì chỉ cần chuẩn bị các món đơn giản như một mâm lễ chay thường đã kể trên. Nhưng không được bỏ những món như chanh, ớt, cua, ốc…
Nên đến viếng và tham quan đền Bà Chúa Kho vào thời điểm nào?
Vào ngày 12-14/1 đầu năm, tuy nhiên thời điểm này rất đông người tới. Mọi người thường thực hiện nghi lễ “vay vốn”, và dâng lễ tại các khu vực Tiền Tế, tứ phủ Công Đồng, rồi tới các cung. Không chỉ đến “vay vốn” bạn cũng có thể đến cầu may mắn, bình an cho gia đình mình.
Nếu bạn chỉ đến để tham quan ngắm cảnh hay đi cầu bình an, xin lộc rơi lộc vãi mà không thực hiện nghi lễ “vay vốn” đầu năm thì bạn không cần bắt buộc tới đền vào hai thời điểm đông đúc trong năm là tháng 1 và tháng 12. Bạn hoàn toàn có thể đến chùa vào các thời điểm khác trong năm.
Kết luận
Dâng lễ, cầu may mắn tài lộc là một nghi lễ tâm linh đầu năm đặc trưng của đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Cũng được xem như nơi tín ngưỡng tâm linh được nhiều người khu vực Phía Bắc yêu thích tới tham quan, cầu khấn. Không những thế, nơi đây còn có rất nhiều đặc sản, với điệu quan họ nổi tiếng cùng con người thân thiện, mến khách. Hy vọng những thông tin từ bài viết, sẽ giúp bạn có những trải nghiệm tốt hơn khi tới nơi này.