Trung Quốc là một quốc gia có nhiều công trình kiến trúc uy nghi, đồ sộ đã đi vào văn học và nghệ thuật như Vạn Lý Trường Thành, Phượng Hoàng Cổ Trấn, Tháp Pháo Đài Kaiping, Điện Phật…Tử Cấm Thành là một nét đặc trưng nổi bật được nhiều người nhắc tới khi nói về Trung Quốc. Là di sản của thế giới, công trình thế kỷ này được du khách trên khắp thế giới đều mong ước được đến thăm một lần.
Giới thiệu Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành với tên gọi khác Cố Cung, nằm giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh, và là nguồn cảm hứng của rất nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng kể về các triều đại Minh, Thanh, Hán, Tần. Cố Cung là quần thể kiến trúc có quy mô lớn nhất, đem lại nhiều giá trị nghệ thuật cao được bảo tồn cho đến tận bây giờ.
Cố Cung được thiết kế bởi Khoái Tường và Sái Tín – 2 nhà thợ mộc nổi tiếng nhất bấy giờ dưới thời Minh. Công trình được xây dựng từ thời Minh, từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) đến năm 1424. Cố Cung vẫn giữ được bố cục ban đầu dù đã được tu sửa nhiều lần do bị cháy, hư hỏng.
Cái tên Tử Cấm Thành được giải nghĩa ra thì chữ “Tử” mang nghĩa “màu tím”, còn theo thần thoại thì Tử cũng được gọi là Vua, Cấm Thành là khu thành cấm các dân thường ra vào. Đây là cung điện của 24 đời vua trong suốt 2 triều đại Minh – Thanh từ thời Minh Vĩnh Lạc (1421) 296 năm đến thời Thanh mạt (1911) 267 năm.
Kiến trúc độc đáo và đặc biệt
Tử Cấm Thành được xây dựng trên khu đất rộng hình chữ nhật, với diện tích khoảng 720.000m2 gồm có 5 triều đình và 17 điện, có 8 dinh cơ và khoảng 9.000 phòng. Xung quanh Cố Cung có các bức tường thành cao 10m bao bọc, bên ngoài tường có các hào nước rộng 52m.
Có 4 tháp canh ở 4 góc, và có 4 cửa ra vào đối diện nhau ở 4 mặt thành: Ngọ Môn, Đông Hoa Môn, Thần Vũ Môn, Tây Hoa Môn. Các cổng thành được trang trí với chín cột, chín hàng núm đinh bằng vàng, riêng Đông Hoa Môn chỉ có tám hàng. Các kiến trúc quan trọng nằm trên trục Nam – Bắc ở chính giữa và các kiến trúc phụ nằm đối xứng nhau ở hai bên.
Các công trình ấn tượng tại Tử Cấm Thành
Với khuôn viên vô cùng rộng, tại đây rất nhiều kiến trúc, công trình nổi bật được xây dựng lên. Bên trong Tử Cấm Thành gồm 2 khu vưc là Nội Đình và Ngoại Đình.
- Ngoại Đình: Nằm ở phía Nam, là nơi diễn ra các nghi thức, nghi lễ quan trọng cũng như để tổ chức các lễ thi cử… Khu vực này có điện Thái Hòa nằm ở trung tâm, điện Bảo Hòa ở phía sau và 2 bên là điện Văn Hoa và điện Võ Anh.
- Nội Đình (Hậu Cung): Là nơi ở của Vua và hoàng thất. Hậu cung được chia 3 cung chính cung Càn Thanh, cung Khôn Ninh và điện Giao Thái gọi là Hậu Tam Điện.
Điện Thái Hoà trong Tử Cấm Thành
Sau khi qua cửa chính Ngọ Môn là tới điện Thái Hòa. Cửa Thái Hòa đằng trước có 7 gian dựng trên 1 nền đá cao, 2 bên là 2 con sư tử đồng làm tôn lên vẻ uy nghiêm và sức mạnh của tiền triều. Với vị trí nằm ở trung tâm, điện Thái Hoà là ngôi điện quan trọng nhất của Tử Cấm Thành, tượng trưng cho sức mạnh của nhà vua.
Vào thời nhà Minh, đây được dùng là nơi thượng triều và bàn luận sách lược chính sự. Đến thời nhà Thanh, cung Càn Thanh được dùng để thượng triều còn điện Thái Hòa dùng để tổ chức các nghi thức, nghi lễ. Các hoa văn trang trí của điện vô cùng đặc sắc, chủ yếu là hình rồng tượng trưng cho nhà vua.
Cung Càn Thanh
Đây là nơi ở của Nhà Vua, Hoàng Hậu và là cung lớn phía sau Tử Cấm Thành . Vua tiếp kiến các đại thần và giải quyết công việc triều chính hàng ngày. Sau khi lên ngôi, vua Ung Chính (nhà Thanh) chuyển đến ở điện Dưỡng Tâm nằm phía Tây, nên cung Càn Thanh được dùng làm nơi giải quyết các công việc triều chính, hội kiến sứ thần, tiếp kiến đại thần nên trang trí cũng đơn giản.
Nơi vua ngồi có treo bức đại tự “Chính Đại Quang Minh”. Các hoàng đế lên cầm quyền bằng chế độ truyền ngôi ên lúc còn sống vua phải công bố ai sẽ là người kế vị tiếp theo sau khi băng hà. Vì vậy, sự tranh chấp ngôi vua thường rất quyết liệt. Như Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh có tới 35 người con trai. Sau 1 thời gian dài đấu đá, tranh chấp, người con trai thứ 4 của ông được lên ngai.
Sau khi vua Ung Chính lên ngôi vua, ông đã thay đổi, đưa ra quyết định không công bố tên tuổi người kế vị, mà chỉ viết vào 2 mảnh chiếu chỉ: 1 mảnh Nhà vua giữ, còn mảnh kia để ở cung Càn Thanh, phía sau bức đại tự, chờ khi vua băng hà thì đem 2 mảnh có tên người đó gộp lại và công bố.
Cung Khôn Ninh trong Tử Cấm Thành
Vào đời Minh và đầu đời Thanh, Cung Khôn Ninh được dùng làm nơi ở của Hoàng hậu. Sau này được chia làm 2 phần: phía Đông, dùng làm nơi động phòng khi vua kết hôn, phía Tây là nơi cúng lễ. Giữa 2 cung Khôn Ninh và Càn Thanh có điện Giao Thái là nơi để Hoàng hậu tiếp đón hoàng tộc đến chào mừng nhân ngày Lễ, Tết. Các hoa văn rồng và phượng được trang trí xen lẫn nhau. Rồng biểu tượng cho nhà vua, còn Phượng biểu tượng cho hoàng hậu.
Vườn Thượng Uyển
Sau cùng của Tử Cấm Thành chính là Ngự hoa viên. Đó là vườn hoa, có diện tích rộng 11.000m2, có đình, lầu, đài, các. Về thực vật, ngoài các cây ở miền Bắc Trung Quốc, ở đây còn tùy theo từng mùa mà trồng xen thêm những cây cảnh, bồn hoa phương Nam và khắp nơi trong nước gửi về tiến cúng vua với những mẫu đá quý, hòn non bộ được trưng bày độc đáo trong vườn. Ngự hoa viên có cảnh sắc hài hòa với thiên nhiên, khác biệt với cảnh nguy nga tráng lệ của các cung điện phía trước.
Điện Dưỡng Tâm phía Tây
Điện Dưỡng Tâm không nằm trên trục chính của Tử Cấm Thành mà nằm ở phía Tây, phần Hậu tẩm. Điện là nơi ở của Hoàng Thái hậu, đến đời vua Ung Chính thì được dùng làm nơi ăn nghỉ của vua, và là nơi tiếp kiến các quan đại thần, giải quyết công việc triều chính, nên ở giữa không có ngai vàng.
Trong điện, Đông Noãn Các cũng là nơi dành cho vua và đại thần nghị sự. Thời vua Đồng Trị nhà Thanh, do Từ Hy Thái hậu chuyên quyền, nên mỗi lần vua cần nghị bàn giải quyết công việc thì sẽ ngồi trên ngự kỷ ở Đông Noãn Các, phía sau ghế vua ngồi có tấm màn rủ để 2 bà Đông, Tây Thái hậu ngồi nhiếp chính. Trên thực tế, Đồng Trị là vua bù nhìn, còn mọi việc triều chính điều hành Từ Hy thái hậu là người định đoạt.
Ảnh hưởng của Tử Cấm Thành tới nghệ thuật và kiến trúc Trung Quốc
Tử Cấm Thành có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kiến trúc Trung Quốc và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật.
Về kiến trúc
- Có kiến trúc đối xứng Nam – Bắc: Đại diện cho quyền lực tối cao của Hoàng đế, tất cả cổng và sảnh quan trọng của Cố Cung đều được bố trí đối xứng dọc từ hướng Bắc xuống Nam.
- Màu sắc hoàng gia: Màu vàng biểu tượng quyền lực tối cao và được hoàng tộc sử dụng còn màu đỏ là màu của sự may mắn và hạnh phúc. Bởi vậy, vàng và đỏ là hai sắc màu chủ đạo ở Tử Cấm Thành. Các bức tường, cửa ra vào, cột trụ đều được sơn màu đỏ, mái lợp tráng men màu vàng.
- Công trình gỗ cao cấp nhất thời xưa: Tử Cấm Thành là kiến trúc được xây dựng bằng gỗ cổ xưa nhất và vẫn còn nguyên vẹn nhất đến giờ. Các các dầm nhà, cột trụ chính được làm từ gỗ cây Trinh Nam quý hiếm. Các khớp gỗ ở đây được tạo tác đan xen, ghép lại mà không dùng đến đinh.
- Trang trí mái điện: Những linh vật được sử dụng trang trí, khắc trên mái điện như rồng, sư tử, phượng thể hiện cho quyền lực và sức mạnh trong văn hóa Trung Hoa.
- Sư tử đồng/đá: Sư tử là vua của muôn loài cũng tượng trưng cho nhà vua. Các bức sư tử đá và đồng mang ý nghĩa biểu tượng như linh thú canh giữ, bảo vệ hoàng gia. Sư tử đực đặt ở bên phải còn sư tử cái ở bên trái.
Về nghệ thuật
Tử Cấm Thành là nguồn cảm hứng vô tận xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật, văn học, điện ảnh. Nổ bật như bộ phim viễn tưởng kể về Hoàng đế Trung Hoa và người Mỹ “The Forbidden City” năm 1918, hay bộ phim tiểu sử năm 1987 kể về cuộc đời của Phổ Nghi “The Last Emperor”, phim “Forbidden City Cop” phim hài võ hiệp nói về một đại nội mật thám,…
Cố Cung còn xuất hiện trong mini series của RAI TV và NBC, phát sóng vào đầu những năm 1980, quay bên trong Cố Cung “Marco Polo”. Trò chơi Rise of Nations được ra mắt năm 2003, mô tả Tử Cấm Thành là kỳ quan vĩ đại, có cơ chế hoạt động giống như một thành phố lớn, cung cấp thêm tài nguyên, dữ liệu cho người chơi. Đồng thời, Cố Cung cũng còn được sử dụng trong nhiều game khác nhau.
Dấu ấn lớn cho lịch sử kiến trúc thời đương đại
Đến với Tử Cấm Thành, khách du lịch sẽ cảm thấy bất ngờ, choáng ngợp bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, uy nghiêm và huyền bí. Một số dữ liệu chứng minh Cố Cung là dấu ấn kiến trúc lớn trong lịch sử:
- Mất thời gian khá dài, 14 năm để xây dựng (1406 – 1420).
- Hơn 1 triệu công nhân tham gia vào quá trình xây dựng, trong đó hơn 100 ngàn thợ thủ công.
- Là cung điện Hoàng gia trong thời gian dài suốt 492 năm (1420 – 1912).
- Gắn liền với 24 vị vua – 14 vua nhà Minh, 10 vua nhà Thanh
- Diện tích rộng 0.72km2, trong đó có 15ha diện tích sàn.
- Có 980 tòa nhà, hơn 90 cung điện và sân vườn cùng hơn 8.700 phòng
- Có chiều dài chạy từ Bắc đến Nam tận 961m, rộng 753m.
- Tường thành bao quang cao 10m, dài 3,4km.
- Hào bao quanh rộng 52m.
Thời gian tốt để du lịch Tử Cấm Thành
Đến du lịch Trung Quốc bạn nên cần chú ý thời gian để cân nhắc có nên đi tham quan Tử Cấm Thành hay không. Bởi vào thời gian nóng nực mùa hè sẽ làm cho bạn cảm thấy khó chịu, mất sức khi đi bộ nhiều. Thời gian lý tưởng nhất để bạn đến Cố Cung là mùa đông, đặc biệt sau khi tuyết rơi sẽ không đông đúc du khách.
Kinh nghiệm khi đi tham quan Tử Cấm Thành
Khi đi tham quan, bạn cần 1 số lưu ý sau:
- Mang theo visa khi sang Trung Quốc
- Cần dành 1 ngày dài để khám phá hết được vẻ đẹp của Cố Cung
- Mang theo sạc dự phòng cho máy ảnh, điện thoại.
- Có đường bay đến thẳng Bắc Kinh nếu đi bằng máy bay.
- Giá vé phụ thuộc thời gian bạn đi.
Kết luận
Tử Cấm Thành là báu vật lịch sử vô giá, là công trình lịch sử có nhiều giá trị văn hóa to lớn và là kiệt tác nghệ thuật trong kiến trúc Trung Hoa với những nét điêu khắc, chạm trổ đặc sắc, tinh tế. Nếu có dịp đến Bắc Kinh, du khách hãy ghé qua Cố Cung để khám phá vẻ đẹp mỹ lệ, hoành tráng và huyền bí của nó nhé!