Chùa Tây Thiên – một ngôi chùa xem là nơi phát tích sớm nhất của nền Phật giáo Việt Nam, được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo. Hằng năm thu hút rất nhiều du khách hàng hương tới đây để tham quan và tu tập. Hãy cùng mình tìm hiểu về ngôi chùa lịch sử lâu đời này nhé.
Lịch sử hình thành của chùa Tây Thiên
Chùa được tọa lạc tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Tỉnh Vĩnh Phúc, nằm ở phía Tây thành phố Hà Nội. Tương truyền rằng vào khoảng thế kỷ thứ 3, có vị hòa thượng Khương Tăng Hội đã dừng chân ở đây để truyền giáo đạo Phật.
Chùa Tây Thiên được xem là cái nôi của phật giáo Việt Nam. Tây Thiên với khu vực đồi núi nhiều, có suối chảy, thác cao cùng những khu rừng rậm rạp, phong cảnh hữu tình, thích hợp cho những người muốn rời xa chốn ồn ào tới đây tu tập.
Chùa Tây Thiên thờ ai?
Tây Thiên có nghĩa là Trời Tây, ám chỉ việc khởi nguồn đạo phật nơi từ Ấn Độ, do trước kia khi các nhà sư nước Ấn trong một lần đi truyền đạo tại nước ta, đã dừng chân tại đây và chọn là chốn hành đạo. Từ đó lập nên các Thiền Tự, thu hút nhiều thiền sư về ẩn tu.
Một lần vua Hùng (đời thứ 6) khi lên núi Tam Đảo ngự lãm thấy có một chiếc am nhỏ, đề bốn chữ Tây Thiên Cổ Tự, sau đó vua cho lập đàn tràng cử hành chay lễ tại nơi đây. Vì thế, về sau ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu – người kết hôn cùng Hùng Chiêu Vương, giúp nhà vua đánh giặc giữ nước
Cấu trúc chùa Tây Thiên như thế nào ?
Chính điện của chùa có chiều cao 17m với diện tích 675m2 và là nơi cho 600 phật tử và du khách ngồi thiền và nghe Phật pháp.
Bên phải của tòa chính điện Lầu Trống – làm bằng gỗ mít Gia Lai và phía trái là Lầu Chuông, có trọng lượng 2 tấn. Phía sau chính điện chùa Tây Thiên là nhà Tổ thờ Trúc Lâm Tam Tổ gồm các vị Trần Nhân Tông, Pháp Hoa và Huyền Quang. Các bức tượng làm từ loại đá bền lâu năm là sa thạch của người Chăm.
Làm sao để đến được chùa Tây Thiên?
Chùa Tây Thiên nằm trong khu danh thắng Tây Thiên, một địa điểm nổi tiếng ở khu vực phía Bắc, hằng năm được rất nhiều hành hương tới đây. Việc di chuyển tới chùa được khá nhiều người quan tâm, bạn cùng tham khảo nhé.
Di chuyển từ Hà Nội tới chùa Tây Thiên
Cách trung tâm Hà Nội không quá xa, tầm 70km. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng đi từ Hà Nội đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau:
Đối với ô tô hay xe máy
Tuyến đường thứ 1: đi từ Hà Nội, bạn di chuyển theo quốc lộ 2A, qua thành phố Vĩnh Yên, rồi rẽ phải theo hướng lên dãy Tam Đảo, tại chân núi Tam Đảo, rẽ trái đi tiếp tầm 10km là đến.
Tuyến đường thứ 2: đi theo tuyến quốc lộ 2B đến Hợp Châu, rẽ trái theo đường TL 302 – đến UBND xã Đại Đình sẽ thấy bảng chỉ dẫn để đi tiếp để đến khu Tây Thiên.
Đối với xe bus
Nếu từ Hà Nội đi xe bus cũng là một lựa chọn an toàn vì đường đi tới Tam Đảo khá trơn, vòng vèo và dốc, với các bạn tay lái yếu thì nên cân nhắc việc tự chạy xe. Bạn có thể bắt xe bus tới Mê Linh Plaza, sau đó đi xe 01 chuyến Vĩnh Yên- Bắc Thăng Long để tới bến xe Vĩnh Yên, từ bến xe Vĩnh Yên đi tiếp xe 07 (Vĩnh Yên -Tam Bảo).
Di chuyển từ các di tích lên tới chùa
Chùa Tây Thiên tọa lạc trên núi nên vấn đề di chuyển, hiện nay có 3 cách để bạn có thể lựa chọn : leo bộ, xe điện, cáp treo.
Leo bộ
Đường lên Tây Thiên không quá khó, nếu bạn có sức khỏe, ít hành lý, thời tiết mát mẻ thì có thể lựa chọn leo để có nhiều thời gian vãn cảnh. Tuy nhiên đường lên khá dốc và dài nên bạn cân nhắc tùy tình hình sức khỏe bản thân.
Xe điện và cáp treo
Đây là hai phương tiện mọi người hay lựa chọn vì nó tiết kiệm sức lực và thời gian, lại an toàn. Với giá 1 vé xe điện là 40.000 vnđ, bạn được di chuyển từ đền Thỏng và chùa Thiên Ân đến nhà ga của cáp treo. Tới đây để lên tới đền Thượng thì còn khoảng 4km đường dốc, nếu lựa chọn đi bộ bạn mất khoảng 2-3 tiếng. Bạn có thể mua vé đi cáp treo, với giá 130.000 vnđ/ 1 lượt hoặc 200.000 vnđ với vé khứ hồi.
Đến Tây Thiên du khách nên làm gì ?
Tây Thiên là quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời giữa núi rừng Tam Đảo, thuộc xã Đại Đình của tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một xã có sự sinh sống của người Kinh và người Sán Dìu. Khu di tích này đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá vào năm 1991.
Hằng năm, nơi đây đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, cùng các lễ hội khác. Vì thế thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước về hành hương và tham quan vãng cảnh. Tới đây, bạn có thể cảm nhận không khí lễ hội trang nghiêm, cũng như hiểu hơn về bản sắc dân tộc của địa phương.
Ngoài chùa Tây Thiên còn có rất nhiều điểm tham quan bạn có thể đến như: Đền Tây Thiên Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, Thiền viện Trúc Lâm, đền Cả , đền Đông Lộ, đình Tổng, đền Thỏng, suối Trường Sinh, miếu Cậu, suối Giải, chùa Cổ.
Nên du lịch Tây Thiên vào thời điểm nào?
Chùa Tây Thiên cùng các điểm du lịch khác mở cửa đón khách cả năm, vì thế bạn có thể tới đây vào thời điểm nào cũng được. Tuy nhiên để có thể tham gia vào các lễ của nhà Phật, bạn nên đến vào 2 thời điểm này trong năm :
- Lễ hội vào 15, 16, 17/02 âm lịch: để tưởng nhớ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu-Chính Vương Phi của vua Hùng thứ 7. Lúc này, sẽ diễn ra các hoạt động như lễ rước, lễ tế, dâng hương,…các trò chơi dân gian đặc sắc (thi nấu cơm, kéo co, hát dân ca, chọi gà…)
- Các khóa tu mùa hè : đây là thời điểm tập trung rất nhiều sinh viên, học sinh. Những khóa tu này được mở ra hằng năm nhằm giáo dục đạo đức và tâm hồn thế hệ trẻ.
Các điểm du lịch ở Tây Thiên
Quần thể khu du lịch Tây Thiên rất rộng lớn nên tùy vào khoảng thời gian hành hương mà bạn nên lựa chọn những điểm đến hợp lý để đảm bảo chuyến đi của mình được trọn vẹn.
Đền Quốc Mẫu Tây Thiên
Hay còn gọi là đền Thượng Tây Thiên tọa lạc trên một ngọn núi, với độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Nơi đây thờ Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, là một di tích lịch sử quan trọng thời vua Hùng.
Tương truyền rằng bà vốn là tiên thế giáng trần, đầu thai làm con gái của vị tù trưởng vùng Sơn Đình dưới chân núi Tam Đảo. Một bậc nữ nhi hào kiệt, một người văn võ song toàn, nên sau này bà là một danh tướng vừa dạy nông nghiệp cho nhân dân vùng đất Tam Đảo.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Vào tháng 2/2004, Hoà thượng Thích Thanh Từ – Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt đã đứng ra phát tâm xây dựng lại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây là 1 trong 3 thiền viện lớn nhất nước ta của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra (cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử).
Thiền viện được xây dựng trên nền một ngôi chùa cổ, tại đây các nhà sư đã tìm thấy rất nhiều các viên gạch, ngói có hoa văn kiến trúc của thời nhà Trần. Mất hơn 15 tháng xây dựng, thiện viện mới hoàn thành và khánh thành vào tháng 11/2005.
Từ đó tới nay, thiền viện trở thành nơi tâm linh nổi tiếng cũng là nơi đào tạo Phật giáo bài bản và có hệ thống nhất trong nước ta hiện nay. Cũng là nơi có bề rộng và chiều sâu về Phật giáo, cũng như sự giao lưu với các dòng Phật giáo của các nước khác trên thế giới.
Đền Thõng
Với cây đa chín cội hàng trăm năm tuổi, là ngôi đền nằm ở phương chính Tây của đền thờ Quốc Mẫu. Nằm ở một khu đất bằng phẳng, cũng chính là cửa ngõ khi khách du lịch tới Tây Thiên. Ở đây bạn có thể tìm hiểu về văn hóa, rừng nhiệt đới, và hệ sinh vật, dược liệu quý của núi rừng Tam Đảo.
Đại Bảo Tháp Kim Cương Thừa Mandala đầu tiên
Đây là công trình Tháp thờ Phật đầu tiên ở Việt Nam thiết kế theo kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa. Được khởi công xây dựng vào năm 2011, với chiều cao 29m, diện tích sàn 1500m vuông, với rất nhiều tấm tranh bích học ở các vòm của Bảo Tháp.
Một số lưu ý và kinh nghiệm khi khi du lịch Tây Thiên
Đây là một khu du lịch tâm linh về Phật giáo, với địa hình đồi núi, nên bạn cần chú ý vài điều khi tới đây.
Sắm lễ
Lễ chay: hoa tươi, bánh kẹo, trái cây, xôi chè… để dâng ở các chùa. Tuyệt đối ở những khu thờ Phật không dâng lễ mặn, không cúng tiền hay đồ hàng mã. Nếu muốn gửi chùa chút tiền đèn dầu, bạn nên bỏ vào các hòm công đức.
Lễ mặn: như giò, giò, chả, rượu…tuy nhiên chỉ được làm đơn giản và chỉ được đặt tại khu vực thờ thánh, mẫu.
Tư trang, quần áo
Vì giữa các khu vực di tích sẽ thường phải di chuyển nhiều, đường thường trơn và dốc. Bạn nên chuẩn bị giày thể thao, cùng những trang phục giữ ấm, khi lên cao sẽ dễ bị lạnh hoặc ướt. Cũng cần chuẩn bị thêm các đồ dùng cá nhân, hay đồ uống nếu bạn chọn cách di chuyển giữa các địa điểm là đi bộ.
Các khu di tích là các đền thờ linh thiêng hoặc các chốn phật tử tu tập – môi trường Phật giáo. Nên các bạn hãy ăn mặc kín đáo lịch sự nếu muốn vào các chùa, đền hay thiền viện. Cũng là nơi được rất nhiều người tới hành hương và tham quan nên bạn cần cẩn thận đồ đạc, tránh việc bị trộm cắp tài sản.
Kết bài
Chùa Tây Thiên là địa điểm tâm linh không thể bỏ qua nếu bạn đến với Vĩnh Phúc. Ngoài ra, khi tới chùa, bạn đừng quên đi tham quan các địa điểm khác nằm trong quần thể di tích này, với những dấu tích lịch sử và đặc biệt là các nét đặc trưng của nền Phật giáo lâu đời của Việt Nam. Hy vọng các thông tin bài viết sẽ giúp ích trong chuyến đi của bạn.