Nhắc đến hệ thống nhà tù Côn Đảo, một hệ thống nhà tù khốc liệt , tàn ác tinh vi của hai chế độ thực dân và đế quốc, chắc hẳn sẽ không thể thiếu được những cái tên như: Chuồng Cọp, hầm đá, Chuồng Bò… Tội ác tại nhà tù Côn Đảo cái tên đó sẽ mãi mãi in sâu trong tiềm thức, trong sự đấu tranh bất khuất, kiên cường và hòa lẫn đau thương, mất mát của những người tù chính trị, những chiến sĩ yêu nước đã từng bị giam cầm, đày ải ở chốn “Địa ngục trần gian” .
Nhà tù trải qua 53 đời chúa đảo
Trong suốt 113 năm của nhà tù Côn Đảo đã có 53 đời chúa đảo ( 39 thời Pháp, 14 thời Mỹ-ngụy) từng cai trị tại nơi đây. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ là một sự tàn ác và tinh vi khác nhau, nhưng trong số đó có những tên chúa đảo sau đây được người tù liệt vào hàng “bạo chúa”, “hung thần” mang tội ác tại nhà tù Côn Đảo không thể nào quên.
Có thể bạn quan tâm:
- Khám phá nhà tù Côn Đảo với kinh nghiệm du lịch hữu ích
- Chuồng cọp tại Nhà tù Côn Đảo được hé lộ với thế giới
- Vượt ngục nhà tù Côn Đảo – Câu chuyện về tin thần dân tộc
Đứng đầu danh sách này có thể kể đến Andouard, một trung úy trù bị, cụt tay phải trong trận Verdun, được gắn huân chương Bắc đẩu bội tinh, cải ngạch làm chúa ngục từ năm 1917. Báo chí Sài Gòn thời đó gọi hắn là “Tên đao phủ khát máu”, tù nhân thì gọi hắn là “Ông lớn một tay”, động một chút là hắn phạt rất nặng, nhất là đối với tù chung thân thì kẻ hầm, người xiềng, không mấy người thoát khỏi. Andouard có nuôi một con chó Berger, đi đâu cũng dẫn theo, không ưa người tù nào, thì hắn xuỵt chó nhảy vào cắn cổ. Để đàn áp tù vượt ngục, Andouard ra lệnh bắn giết thẳng tay.
Cứ bắn chết một người tù, cắt một tai đem về thì được hắn thưởng 10 đồng ( tương đương vài giạ gạo lúc đó) không ít người tù đã chết oan nghiệt vì khoản tiền bất nhân này. Bọn lính coi ngục mỗi lúc tiền ăn nhậu, thì bày trò thí mạng tù nhân để lãnh thưởng, chúng sai một người tù nào đó đi lên rừng hái lá về nấu canh, thế rồi người tù xấu số ấy bị bắn gục tại bìa rừng, xẻo tai mang về nộp lấy 10 đồng thưởng về tội “Mưu toan vượt ngục” mà chúng dàn dựng. Phải đến khi Andouard đền tội thì luật này mới bãi bỏ.
Tội ác tại nhà tù Côn Đảo của quản ngục Bouvier
Người tiếp theo đó chính là tên chúa ngục Bouvier – Chánh tham biện, làm chúa ngục 2 nhiệm kỳ, cũng chính là 2 thời kỳ khủng bố trắng (1930-1934) và (1939-1942). Trong 5 năm từ 1930 đến 1934 chế độ khủng bố trắng của Bouvier đã giết hại 802 người tù.. Sau Nam kỳ khởi nghĩa (11/1940), chế độ khủng bố còn rùng rợn hơn, tù nhân chết hàng loạt, có thời kỳ mỗi ngày chết vài chục người. Chỉ trong 2 năm 1941-1942, số lượng tù nhân đã vơi đi hàng ngàn người. Bouvier đã phải cho mở thêm nghĩa địa mới mang tên Hàng Dương để chôn những người tù bị giết hại. Dưới chế độ giết người thời ấy của Bouvier thì Côn Đảo được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”.
Dưới thời của Bouvier, tội ác tại nhà tù Côn Đảo mà hắn gây ra là rất nhiều, có nhiều cuộc vượt ngục diễn ra, vì với những tù nhân thời kỳ ấy, thà chết đói trên rừng, hoặc làm mồi cho cá mập dưới biển còn dễ chịu hơn sống dưới bàn tay độc ác của Bouvier. Vì đời sống tù nhân lúc bấy giờ vô cùng thiếu thốn, làm việc quá sức, ăn uống thì bẩn thiểu, không thuốc men chữa trị. Ngoài ra bọn gác, coi ngục thì vô cùng độc ác, vô nhân đạo đánh đập người tù vô tội vạ, củi đòn ba trắc, tầm vông thấm đầy những máu…Ngoài 2 chúa ngục vừa kể trên thời Pháp ra còn có những tên khác cũng giàu thủ đoạn và thâm độc không kém như Brule, Lafosse, Jacty..
Lê Văn Thể – Tên quản tù tàn ác nhất lịch sử
Chấm dứt gần 1 thế kỷ chồng chất tội ác của thực dân Pháp trên hòn đảo thiêng liêng này. Tháng 3-1955, Thiếu tá Aloise Blanck đã bàn giao nhà lao Côn Đảo cho Bạch Văn Bốn – thiếu tá quân đội VNCH. Với bản chất tàn bạo và hiếu thắng, Bạch Văn Bốn ra sức đánh giết tù để tiến thân, trong nhiệm kỳ hơn 3 năm, Bốn đã tổ chức nhiều chiến dịch khủng bố, giết hại 350 tù chính trị do bất lực về phương diện cải huấn, không tổ chức học tố cộng được với hơn 1000 tù chính trị lao I trong nhiều năm nên Bốn vẫn không được lên sao và phải nhường chức cho Lê Văn Thể – một tên tàn bạo với nhiều tội ác tại nhà tù Côn Đảo.
Lê Văn Thể không từ một thủ đoạn tàn bạo nào. Hắn nhốt chặt tù nhân vào mùa hè, xối nước tù nhân vào mùa đông, cho tay chân xông vào đánh tù nhân bằng củi chẻ đến tàn phế hay chết tươi ngay tại Chuồng Cọp, đày ải man rợ cho chết đi sống lại hàng trăm lần, thậm chí hắn còn bắt tù nhân đào mả lấy xương người chết về để đốt xông khói cho đàn vịt của hắn khỏi chết dịch..Nhưng cuối cùng thì Lê Văn Thể cũng mất chức vì không khuất phục được tinh thần quật cường của những người tù chính trị.
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Chùa Bửu Long – nét đẹp Thái Lan giữa lòng Sài Gòn
- Chùa Bà Thiên Hậu – Vẻ đẹp tâm linh cổ kính, thiêng liêng
Trong ký ức của nhiều tù nhân, Nguyễn Văn Vệ là một “Con hùm xám”, là siêu đẳng trong nghề trị tù. Vệ từng ngự trị 9 năm, hai nhiệm kỳ. Và trong ngần ấy năm Vệ đã gây biết bao nhiêu tội ác với tù nhân Côn Đảo, chính hắn đã trực tiếp chỉ huy những trận khủng bố tàn bạo nhất. Ngày 12-5-1967 Vệ chỉ huy hàng trăm trật tự ác ôn, đàn áp tù chính trị ở Chuồng Cọp I, gây ra cái chết thảm khốc cho 2 người, 10 người bị thương tích nặng và hàng trăm người khác máu đổ, thịt tan.
Hắn đã thiết lập kỷ luật ngiệt ngã nhất đối với những người tù chống ly khai ở Chuồng Cọp với những cây còng Mỹ siết chặt vào cổ chân, làm hàng trăm người tù phải teo cơ, bại liệt vĩnh viễn, sào nhọn bịt đồng, vôi bột, gậy gộc và đạo quân trật tự, an ninh do Vệ tổ chức đã gây nên những tội ác man rợ nhất.
Và cao trào nhất vụ “Chuồng Cọp Côn Đảo” tai tiếng 1970 bị phanh phui, làm chấn động cả thế giới. Rồi với lần thứ 2 trở lại Vệ càng tỏ rõ bản chất hung thần hơn với các chính sách đàn áp tù chính trị với âm mưu tráo án người tù, bắt người tù phải lăn tay, chụp hình để đổi tù chính trị phạm sang thành phần gian nhân hiệp đảng. Những trận đàn áp đẫm máu, khốc liệt diễn ra liên tiếp trong thời gian dài đã cướp đi sinh mạng và thương tật nghiêm trọng cho hàng ngàn người tù chính trị…
Xét cho cùng, mỗi đời chúa ngục thì cũng chỉ là những tên tay sai của thực dân và đế quốc, chúng sẽ bị lịch sử bêu tên bởi tội ác tại nhà tù Côn Đảo, nguyền rủa mãi mãi. Và sẽ còn mãi những đau thương, những bi hùng, ý chí đấu tranh sáng ngời và những nấm mồ vinh quang, hiên ngang giữa đất trời Côn Đảo. Để giờ đây, khi chiến tranh đã đi qua, đất nước đã thanh bình, vẫn còn đó bóng dáng của những người tù năm ấy, đang ngày đêm xây dựng, cống hiến quãng đời còn lại của mình cho quê hương , đất nước, tiếp nối tâm nguyện của đồng chí, đồng đội đã hy sinh để ngày hôm nay cho chúng ta thấy được một biển, một trời Côn Đảo xanh tươi như thế này.